Thay đổi chính sách - Thị trường năng lượng mặt trời Việt Nam vẫn trong thời điểm vàng

Việt Nam hiện đang thí điểm cơ chế đấu thầu nhằm thay thế chính sách ưu đãi giá từng mang lại thành công cho thị trường năng lượng mặt trời. Liệu chính sách mới có thể giúp nguồn năng lượng sạch này giữ vững vị thế trên thị trường hay không? Những thay đổi nào đang chờ đợi các nhà phát triển ở phía trước?

[Vietnamese] Dau Tieng Solar Power Project, Vietnam
Ảnh: Dự án điện mặt trời Dầu Tiếng, nhà máy quang điện năng lượng mặt trời với tổng công suất 600 MW, cách thành phố Hồ Chí Minh 100km về phía Nam. Nguồn: Tammy Le từ Wikipedia Commons

Read the story in English here.

Ngành năng lượng mặt trời ở Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới. Vào tháng 11/2019, chính phủ Việt Nam tuyên bố sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu cho các dự án năng lượng mặt trời được xây dựng trên mặt đất, bỏ qua đề xuất tiếp tục vòng 2 chương trình ưu đãi giá từng rất thành công trước đó. 

Theo đó, chương trình ưu đãi vốn có hiệu lực đến năm 2021 này sẽ bị rút ngắn đi 1 năm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nhiều dự án đang thực hiện và có thể làm cho các nhà phát triển xuống tinh thần. Tuy nhiên, nếu nhà nước đảm bảo quy trình được thực hiện một cách đúng đắn, thì chính sách đấu thầu này sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho ngành năng lượng, bao gồm giá điện giảm, lưới điện quốc gia được quản lý tốt hơn, đồng thời việc giám sát các dự án năng lượng điện tái tạo cũng được cải thiện. Chính sách đấu thầu này được xem như động thái cân bằng thị trường.

Trên lý thuyết, chương trình này sẽ cho phép các nhà phát triển tham gia đấu thầu thay vì bán giá cố định cho lưới điện quốc gia, dẫn đến việc giá điện sẽ giảm trong tương lai. Chính sách đấu thầu chỉ cho phép các dự án thắng thầu được tham gia vào thị trường với giá điện tối ưu nhằm khuyến khích sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp.

Bà Bree Miechel, luật sư chuyên về dự án đầu tư và xây dựng thuộc công ty luật toàn cầu Reed Smith LLP nói rằng, để có thể gặt hái được những lợi ích đó, lưới điện quốc gia Việt Nam cần phải được nâng cấp nhằm đáp ứng nguồn năng lượng sạch đang không ngừng gia tăng.

Hiện nay, vì lý do đường truyền tải điện ở nhiều khu vực còn chưa phát triển, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), công ty duy nhất thu mua toàn bộ điện từ các nhà sản xuất, thường xuyên hạn chế điện năng từ nguồn phát nhằm tránh tình trạng quá tải cho lưới điện. Nhiều nhà máy phải giảm tới 60% công suất và EVN chỉ chi trả cho lượng điện hòa vào lưới điện quốc gia theo quy định của chính sách hiện hành.

Bà Miechel nhận xét rằng, điều này cần phải được thay đổi nếu như Việt Nam muốn áp dụng chính sách đấu thầu với giá điện cạnh tranh. Giá điện sau đấu thầu sẽ thấp hơn giá theo chính sách hiện hành, vì vậy, EVN cần phải điều chỉnh các thỏa thuận thu mua điện phù hợp với chuẩn quốc tế nếu muốn thu hút nhiều nhà đầu tư hơn. Theo đó, toàn bộ sản lượng điện đều phải được thanh toán dù có được bán lên lưới điện hay không.

Điều này có nghĩa là cơ chế đấu thầu sẽ không giúp giảm chi phí sản xuất, trừ khi toàn bộ sản lượng điện thu mua được truyền tải đến người tiêu dùng và các khu công nghiệp.

Ngay cả khi Việt Nam có thể đấu thầu thành công với mức giá 3,87 US cent/kWh như Campuchia - tương đương phân nửa mức giá điện mặt trời hiện hành, thì khoản tiết kiệm được từ mức giá điện thấp hơn này cũng sẽ thất thoát thông qua việc chi trả cho sản lượng điện thu mua nhưng không được sử dụng.

Bà Michiel cho biết thêm: “Phía Việt Nam biết rằng cơ sở hạ tầng truyền tải điện hiện nay chưa đạt yêu cầu và EVN sẽ phải chi trả cho toàn bộ sản lượng điện mặt trời được sản xuất. Lợi ích đến từ chính sách mới này phụ thuộc rất nhiều vào việc nâng cấp lưới điện quốc gia.”

Cơ chế đấu thầu mang lại sự đảm bảo cho tất cả các bên liên quan. Các nhà phát triển và các nhà đầu tư sẽ biết họ nhận được gì từ những dự án này. Theo đó, các nhà đầu tư quy mô lớn, các nguồn cho vay quốc tế từ bấy lâu vẫn đứng ngoài cuộc chơi sẽ bắt đầu hào hứng tham gia vào thị trường này.

Bà Bree Miechel, luật sư chuyên về dự án đầu tư và xây dựng thuộc công ty luật toàn cầu Reed Smith LLP

Ông Nicolas Payen, giám đốc điều hành công ty đầu tư năng lượng sạch Positive Energy Limited (Singapore), cho rằng năng lượng mặt trời ở Việt Nam hiện đang phát triển tràn lan và thiếu kiểm soát. Điều này dẫn đến việc các dự án chỉ tập trung triển khai ở một số khu vực có điều kiện thuận lợi, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam, nơi có độ mây che phủ thấp và bức xạ mặt trời cao.

Trả lời báo Eco-Business, ông Payen cho biết: “Trong những năm vừa qua, chúng ta chỉ thấy các dự án được tập trung triển khai ở những địa điểm cụ thể. Điều này gây quá tải cho lưới điện tại địa phương, dẫn đến việc phải cắt giảm điện truyền tải từ các nhà máy điện năng lượng mặt trời.”

Ông lưu ý thêm rằng việc mở cửa đấu thầu sẽ hỗ trợ chính phủ trong việc quản lý địa điểm và thời gian xây dựng các nhà máy điện. Bên cạnh đó, chính sách này cũng giúp đảm bảo vận hành an toàn lưới điện, hỗ trợ các thỏa thuận mua bán điện dễ sinh lời hơn cũng như giảm rủi ro cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, ông cũng nhận xét : “Nhìn tổng thể thì động thái chuyển sang cơ chế đấu thầu là hướng đi đúng đắn cho thị trường Việt Nam.”

Bà Miechel đưa ra ý kiến: “Chương trình ưu đãi giá thu mua đã thắng lớn trong việc khuyến khích tăng sản lượng điện mặt trời, nhưng cơ chế đấu thầu sẽ mang về cho ngành này những thành công khác. Nếu chính phủ điều chỉnh các thỏa thuận mua bán điện theo chuẩn quốc tế và cơ sở hạ tầng lưới điện được phát triển đạt yêu cầu kỹ thuật thì cơ chế này sẽ mang lại nguồn năng lượng tái tạo dồi dào với kinh phí thấp cho đất nước.”

Chính sách mới và đối tượng tham gia mới

Năng lượng mặt trời ở Việt Nam chỉ mới bắt đầu phát triển bùng nổ từ hai năm trước, khi chương trình ưu đãi giá mua điện đầu tiên được đưa ra với con số hấp dẫn 9,35 US cent /kWh trong thời gian 20 năm.

Chính sách này dự kiến sẽ có hiệu lực cho đến tháng 6 năm nay, dẫn đến việc các nhà đầu tư quốc tế ráo riết đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhằm ủy thác các dự án cho kịp thời hạn này.

Với 89 nhà máy đang hoạt động theo chương trình này, công suất điện từ năng lượng mặt trời dự kiến sẽ đạt hơn 3000 MW, vượt xa chỉ tiêu 1.000 MW cho đến năm 2020 được đề ra ban đầu của chính phủ. Nếu như tất cả dự án đã đăng ký được đưa vào thi công, tổng công suất cả nước sẽ đạt 26.000 MW.

Vào tháng 4 năm nay, chương trình ưu đãi bước vào chặng thứ hai, giá điện được đề xuất là 7,09 US cent /kWh - giảm 32% so với mức giá cũ. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng điều này sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư cũng như gây thêm khó khăn cho các nhà phát triển trong nước vốn đã chật vật trong việc kiếm nguồn tài trợ cho dự án.

Theo bà Miechel, cơ chế đấu thầu sẽ làm thay đổi hoàn toàn bối cảnh năng lượng mặt trời ở Việt Nam. Một khi chính phủ áp dụng mô hình trả tiền cho toàn bộ sản lượng điện được sản xuất thì các nhà phát triển không cần phải lo lắng về rủi ro cắt giảm công suất nữa. Điều này sẽ khuyến khích thêm nhiều nhà đầu tư lớn từ nước ngoài tham gia vào thị trường.

Theo quan sát của bà Michiel, thị trường sẽ chứng kiến các đối tượng mới tham gia đấu thầu. Sự góp mặt của những ông lớn trong ngành tiện ích cộng đồng có nhiều khả năng sẽ đẩy bật các nhà phát triển nhỏ hơn ra ngoài cuộc chơi nhờ vào quy mô lớn cũng như tiềm lực cao trong việc đưa ra gói thầu có giá cạnh tranh. Ngoài ra, bà cũng nói thêm: “Cơ chế đấu thầu mang lại sự đảm bảo cho tất cả các bên liên quan. Các nhà phát triển và các nhà đầu tư sẽ biết họ nhận được gì từ những dự án này. Theo đó, các nhà đầu tư quy mô lớn, các nguồn cho vay quốc tế từ bấy lâu vẫn đứng ngoài cuộc chơi sẽ bắt đầu hào hứng tham gia vào thị trường này.”

Nếu không tăng tốc triển khai sử dụng năng lượng mặt trời, Việt Nam sẽ có nguy cơ thiếu điện cung cấp cho nền kinh tế đang phát
triển.

Ông Nicolas Payen, giám đốc điều hành công ty đầu tư năng lượng sạch Positive Energy Limited 

Vòng 1 của chương trình ưu đãi giá thu mua năng lượng mặt trời đã mang về nhiều thành công lớn. Tổng công suất của các dự án được phê duyệt hiện nay lên đến 22 GW nhưng không phải dự án nào cũng được cấp phép thi công. Nhiều nhà đầu cơ ngắn hạn cũng bị hấp dẫn bởi chính sách này.

Ông Payen cho biết: “Trong số 22 GW được phê duyệt, các nhà phát triển chỉ xây dựng bốn nhà máy. Rõ ràng có nhiều dự án được cấp phép nhưng chưa được thi công. Việc rút ngắn thời gian chặng thứ hai của chương trình ưu đãi sẽ giúp chính phủ thanh lọc thị trường, phân biệt rõ ràng đâu là dự án thực và đâu là hoạt động đầu cơ.”

Ông Assaad Razzouk, giám đốc điều hành công ty năng lượng sạch Sindicatum Renewable Energy của Đông Á và Ấn Độ có trụ sở tại Singapore, cho biết: “Chính sách ưu đãi giá đã khuyến khích nhiều công ty xin cấp phép dự án để rồi bán lại giấy phép ngay sau đó, thay vì thực sự hoạt động trên thị trường. Rất nhiều công ty tham gia thị trường này chỉ vì phần lời từ chính sách ưu đãi sẽ giúp họ đầu cơ vào bất động sản. Điều này làm biến động thị trường, khiến cho các dự án bị tăng giá ảo. Hy vọng rằng cơ chế đấu thầu mới sẽ khiến các nhà đầu cơ như thế này bỏ cuộc.”

Không phải dự án năng lượng mặt trời nào cũng bị ảnh hưởng khi Việt Nam chuyển sang cơ chế đấu thầu. Những nhà máy trên mặt đất đã ký hợp đồng mua bán với EVN và chuẩn bị đi vào hoạt động thương mại vào cuối năm 2020 sẽ được hưởng mức giá mua mới. Trong khi đó, mức giá riêng dành cho các dự án trên mái nhà sẽ được thông báo vào giữa tháng 12 này.

Tuy nhiên, theo ông Razzouk, chính sách mới vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng khiến các nhà phát triển rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Ông nói: “Tất cả chúng tôi chẳng thể làm gì khác ngoài việc chờ đợi.”

Với nhu cầu năng lượng đang tăng vọt như hiện nay, ông Payen nhận xét rằng Việt Nam cần phải hành động nhanh hơn nữa. Nhu cầu năng lượng toàn quốc dự kiến vào năm 2030 sẽ đạt 130 GW điện. Năm ngoái, con số này là 47.900 MW. Nếu không tăng tốc triển khai sử dụng năng lượng mặt trời, Việt Nam sẽ có nguy cơ thiếu điện cung cấp cho nền kinh tế đang phát triển. Tuy nhiên, điều này lại phụ thuộc vào tốc độ triển khai cơ chế đấu thầu của nhà nước.

Translation by Đỗ Tôn Minh Khoa

Did you find this article useful? Join the EB Circle!

Your support helps keep our journalism independent and our content free for everyone to read. Join our community here.

Most popular

Featured Events

Publish your event
leaf background pattern

Transforming Innovation for Sustainability Join the Ecosystem →