Việt Nam đang dần mất vị thế dẫn đầu trong ngành năng lượng tái tạo vào tay các nước láng giềng

Một cuộc biến động chính trị đã đẩy lùi việc cấp phép cho các dự án năng lượng sạch, khiến kế hoạch phát triển của ngành này trong tương lai trở nên mơ hồ. Hiện các nhà phát triển dự án đang cắt giảm nhân lực ở Việt Nam, nơi đang nắm giữ khoảng 70% công suất năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á.

Dau Tieng Solar Power Project in Vietnam
The Dau Tieng Solar Power Project in Vietnam. Image: Wikimedia Commons/ TammyLe.

Thị trường năng lượng tái tạo mới nổi và sôi động ở Đông Nam Á.

Tại Thái Lan, chỉ vài tháng sau khi đợt đấu thầu trước nhận về số hồ sơ dự thầu vượt gấp ba lần mức mong đợi, các nhà chức trách lại đang xem xét một vòng đấu thầu năng lượng sạch tiếp theo. Các nhà phát triển cũng đang đổ xô đến Philippines, sau khi nước này cho phép người nước ngoài sở hữu toàn bộ dự án vào cuối năm 2022.

Trong khi đó, sau khi các doanh nghiệp Singapore ký thỏa thuận trị giá 38 tỷ USD để phát triển các dự án lớn tại Indonesia, các nhà sản xuất tấm pin mặt trời đang xem xét xây dựng các cơ sở tại nước này. Ngoài các nhà máy hiện có tại Việt Nam, một số nhà sản xuất sẽ mở rộng quy mô phát triển sang các nước khác. 

Đây là những sự kiện đang diễn ra ở khu vực trong khi Việt Nam, quốc gia đi đầu về năng lượng tái tạo trên thực tế ở Đông Nam Á, nơi cung cấp gần 70% công suất lắp đặt điện gió và mặt trời của khu vực, đang và sẽ tiếp tục bị mắc kẹt vì các cơ chế chính sách đứt gãy, gián đoạn trong khoảng hai năm vừa qua. Kế hoạch chính sách cho ngành năng lượng của Việt Nam trong thập kỷ này vẫn chưa được hoàn thiện, đồng thời các vòng đấu giá và kế hoạch định giá để thúc đẩy các dự án năng lượng mặt trời và gió vẫn chưa được triển khai.

Các nhà phân tích và doanh nghiệp trong ngành cho rằng, thực trạng đóng băng này đã làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư vào Việt Nam và đây có thể là trở ngại lớn cho sự phát triển trong tương lai, đặc biệt là khi các quốc gia Đông Nam Á khác đẩy mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh.

Nội loạn

Rào cản mới nhất của Việt Nam được xem là có nguồn gốc từ nỗ lực chống tham nhũng của chính phủ, mà đỉnh điểm là sự từ chức đột ngột của cựu chủ tịch nước vào tháng 1. Sự việc này cũng đang cản trở tiến trình phát triển và thực hiện chính sách trên toàn bộ nền kinh tế của đất nước.

Những người trong ngành nói với Eco-Business rằng, những cuộc điều tra liên quan đến các thỏa thuận định giá mà chính phủ đã ban hành trong những năm trước cho các dự án năng lượng tái tạo cũng là tác nhân gây cản trở tiến độ phát triển của ngành.

Đã có một số cập nhật về đấu giá hoặc định giá năng lượng tái tạo kể từ năm 2018, khi chính phủ mở rộng mức thanh toán cố định cao hơn thị trường cho các nhà sản xuất. Thời hạn nhận các khoản trợ cấp đó đã qua vào năm 2021 và các nhà phát triển vẫn chưa nhận được phản hồi về mức giá mới mà họ sẽ được nhận kể từ đó.

Liming Qiao, người đứng đầu chi nhánh Châu Á của tập đoàn công nghiệp Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu, cho biết các mục tiêu năng lượng tái tạo dường như bị “treo lơ lửng”, cụ thể là dự thảo kế hoạch phát triển năng lượng 10 năm với công suất 7 gigawatt (GW) của điện gió ngoài khơi Việt Nam vào năm 2030.

“Quy hoạch Phát triển Điện 8” (PDP8), như tài liệu chính sách được đặt tên, cũng đã bị trì hoãn hai năm. Một số dự thảo đã được thông qua giữa các cấp chính phủ kể từ năm 2021 và đã có những thay đổi về vai trò của năng lượng sạch. Vào tháng 2 năm 2021, dự kiến tổng công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030 sẽ tăng đến mức 41 gigawatt (GW); nhưng vào tháng 9 năm 2021, nó đã giảm xuống dưới mức 33GW.

Theo Eric Miller - giám đốc điều hành của nhà phát triển năng lượng tái tạo Pacific Impact Development có trụ sở tại Singapore - điều này có thể đặc biệt khó khăn đối với những người mới tham gia thị trường. Ngoài ra còn có những câu hỏi khác chưa được trả lời trong PDP8, chẳng hạn như giá trị và thời hạn của các hợp đồng dài hạn với Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Lưu ý rằng cơ quan thuộc sở hữu nhà nước này là đơn vị cung cấp điện toàn quốc duy nhất và rằng các nhà phát triển thường ưu tiên các hợp đồng có khung thời gian dài hơn trên 20 năm.

Ông Miller nói: “Có một số vấn đề đáng kể sẽ ảnh hưởng đến cách nhìn nhận rủi ro của các nhà tài trợ cũng như cách đánh giá tính khả thi về mặt tài chính của những tổ chức cho vay, tùy thuộc vào các lựa chọn được đưa ra.”

Hiện tại, Pacific Impact Development đang thực hiện một dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam và công ty đang tiếp cận theo hướng “chờ đợi và xem xét”, ông Miller chia sẻ.

Chính sách năng lượng tái tạo của Việt Nam bị hủy bỏ vào thời điểm các quốc gia khác trong khu vực đang đạt được tiến bộ tự thân trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh. Ông Qiao cho biết Philippines hiện được coi là đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ về năng lượng gió, sau khi chính phủ nước này đưa ra các cuộc đấu giá cạnh tranh và loại bỏ yêu cầu đối với các dự án năng lượng tái tạo phải có 60% quyền sở hữu địa phương vào năm ngoái.

Ông Qiao cho biết các nhà phát triển nước ngoài đã bắt đầu quay lưng lại với Việt Nam, và đã thu hẹp quy mô văn phòng của họ tại nước này. Trong số đó là công ty The Blue Circle có trụ sở tại Singapore, đã sa thải một nửa số nhân viên của họ vào năm 2021.

“Chúng tôi không thể tiếp tục trả lương cho nhân viên phát triển của mình khi không có gì để phát triển. Chúng tôi hoàn toàn không thể dự tính được điều gì”, Olivier Duguet, người sáng lập và giám đốc The Blue Circle cho biết. Số nhân viên còn lại chủ yếu điều hành ba dự án điện gió đang vận hành mà công ty đã nối lưới trong những năm qua.

The Blue Circle wind project

A wind turbine project by Singapore-based The Blue Circle in Southern Vietnam. Image: The Blue Circle.

Ngoài Philippines, ông Duguet còn nhìn thấy cơ hội ở Thái Lan, nơi chính phủ đang tìm cách kêu gọi đấu thầu các dự án năng lượng sạch có công suất hơn 3,6 GW. Một lời mời thầu cho các dự án điện gió, năng lượng mặt trời và khí sinh học với công suất phát điện 5,2GW vào cuối năm ngoái đã được chốt với giá mua điện cố định. Theo hãng tin địa phương Bangkok Post, lời kêu gọi đã nhận về các đề xuất dự án với tổng công suất 17GW từ các nhà đầu tư.

Hui Min Foong - nhà phân tích nghiên cứu tại công ty phân tích S&P Global Commodity Insights - cho biết, các thị trường năng lượng tái tạo lớn đang được chú ý ở Đông Nam Á hiện nay là Malaysia, Philippines và Thái Lan. Ông Foong giải thích tại một diễn đàn thị trường hàng hóa vào tuần trước rằng, ngoài việc thành công ở các cuộc đấu thầu năng lượng tái tạo, các quốc gia này còn có cơ sở hạ tầng lưới điện tốt hơn để đối phó với sản lượng ngắt quãng của các trang trại năng lượng mặt trời và gió.

Bộ công nghiệp và thương mại Việt Nam đã không trả lời các yêu cầu bình luận.

Nạn nhân cho sự thành công của chính mình?

Tính cả hydro xanh, Việt Nam đang dẫn đầu về việc phát triển năng lượng mặt trời và năng lượng gió ở Đông Nam Á với năng suất lớn.

Việc thúc đẩy năng lượng tái tạo của Việt Nam được tiến hành vào năm 2019, cùng mức giá cao mà chính phủ đã đưa ra như lời đảm bảo dành cho các nhà đầu tư năng lượng sạch. Một số hợp đồng chi trả khoảng 100 đô la Mỹ cho mỗi megawatt- giờ năng lượng xanh được tạo ra, so với giá điện bán lẻ của đất nước này là 80 đô la Mỹ.

Nhờ đó, công suất năng lượng mặt trời được lắp đặt đã tăng gần 45 lần, từ 105 megawatt (MW) lên gần 5GW vào năm 2019, trước khi tăng hơn gấp ba lần lên mức 16,7GW vào năm 2020. Sự bùng nổ điện gió diễn ra sau đó trong cùng năm, với công suất tăng gấp 11 lần, lên đến hơn 4GW. Các số liệu mới nhất theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế ghi nhận là 18,5GW năng lượng mặt trời và 4,6GW năng lượng gió.

Trong khi đó, các nước láng giềng Campuchia, Lào và Thái Lan có tổng công suất năng lượng mặt trời và gió chưa bằng một phần tư của Việt Nam. Indonesia, với dân số gấp ba lần Việt Nam, có mức sản xuất năng lượng xanh ít hơn 50 lần.

Các nước Đông Nam Á nhìn chung khá chật vật trong việc thu hút các nhà đầu tư năng lượng tái tạo. Các dự án xây dựng trong khu vực có mức độ rủi ro cao hơn và lãi suất vay cũng cao hơn so với các thị trường phát triển. Ở nhiều quốc gia, nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm ưu thế, vẫn được tiêu thụ rất nhiều; dẫn đến việc năng lượng sạch còn rất ít chỗ trống để chen vào.

Thành công ban đầu của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cho thấy dường như họ đã vượt qua những thử thách này, nhưng cách Việt Nam thực hiện cũng đã tạo ra những thách thức mới có tác động lâu dài cho đến ngày nay.

Thách thức đầu tiên là hệ thống lưới điện phải chật vật để xử lý các tải điện khác nhau khi nhận năng lượng từ các tấm pin mặt trời và tua-bin gió. Sản lượng điện được tạo ra do yếu tố thời gian trong ngày và thời tiết quyết định, thay vì dựa vào nhu cầu sử dụng điện của người dân. Do đó, các cơ quan quản lý bắt buộc phải cắt giảm nguồn cung đối với các nhà máy điện tái tạo, dẫn đến tổn thất tài chính cho các đơn vị này.

Ông Foong cho biết chính phủ Việt Nam ước tính sẽ cần 3,6 tỷ đô la Mỹ hàng năm trong những năm tới để nâng cấp lưới điện. Các nhà chức trách đã mở rộng các khoản đầu tư lưới điện cho khu vực tư nhân vào năm ngoái, để giúp đưa dòng tiền vào – cũng như thực hiện thỏa thuận “Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng” trị giá 15,5 tỷ đô la Mỹ mà họ đã ký với các quốc gia và nhà tài chính giàu có vào tháng 12 năm 2022.

Tuy nhiên, những rắc rối với lưới điện đồng nghĩa với việc các nhà chức trách “hoàn toàn mất niềm tin” vào hệ thống đảm bảo giá điện cố định – được gọi là biểu giá điện hỗ trợ – như một cách để hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, trích lời ông Qiao.

Do bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19, một số nhà phát triển dự án đã yêu cầu chính phủ gia hạn thời gian để được hưởng giá điện hỗ trợ (giá FIT) mà truớc đó thời điểm hết hiệu lực cho mức giá này là năm 2021. Tuy nhiên, phải đến đầu năm nay, chính phủ mới phê duyệt đề xuất này. Mặc dù vậy, giá bao tiêu đã được hạ xuống, tương ứng với tổng công suất vài gigawatt.

Ông Foong cho biết, một số dự án năng lượng mặt trời giờ đây sẽ chỉ nhận được tối đa khoảng 51 đô la Mỹ cho mỗi megawatt giờ điện được tạo ra, một mức có thể không khả thi về mặt tài chính.

Thay vào đó, một số thị trường ở Đông Nam Á đã chuyển sang hệ thống đấu giá, nơi các nhà đầu tư đấu thầu để cung cấp điện ở mức giá thấp nhất – một hệ thống có thể giúp các dự án đem lại hiệu quả nổi trội hơn và giảm chi phí cho chính phủ. Phía chính phủ Việt Nam dù thể hiện mong muốn triển khai mô hình đấu giá, nhưng rất ít thông tin chi tiết được ban bố.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư mà Eco-Business đã phỏng vấn sẽ không rút lui hoàn toàn khỏi thị trường Việt Nam.

Ông Miller, thuộc công ty Pacific Impact Development, chia sẻ rằng, quá trình chuyển đổi từ than đá sang năng lượng tái tạo trong khu vực cuối cùng vẫn sẽ được thực hiện, “bất kể các quy định và chính sách trên thực tế”. Công ty hiện vẫn đang tập trung vào thị trường Indonesia và Việt Nam, hai thị trường vẫn phụ thuộc nhiều vào than đá giá rẻ nhưng gây ô nhiễm để sản xuất điện.

Ông Miller nói thêm: “Than đá đang bị loại bỏ. Một phần vì nó không được ưa chuộng, mặt khác vì toàn bộ hệ sinh thái từng hỗ trợ các dự án than đá cũng không còn nữa – không còn nguồn tài chính và bảo hiểm cho các dự án đốt than nữa”.

“Chúng tôi vẫn đặt hy vọng [vào Việt Nam]. Dù biết hiện vẫn còn nhiều điều không chắc chắn khi PDP8 còn đang trong quá trình hoàn thiện, chúng tôi vẫn sẽ ở lại. Đây là một thị trường lớn và chúng tôi tin rằng năng lượng tái tạo sẽ đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu phát điện trong tương lai,” ông nói.

“Việt Nam có một nền [kinh tế vĩ mô] tuyệt vời. Đây là một trong những nền kinh tế giàu tiềm năng phát triển của Đông Nam Á với 100 triệu dân. Cơ bản, Việt Nam có thể được ví như công xưởng của Trung Quốc,” ông Duguet của The Blue Circle cho biết.

Tuy vậy, ở một đất nước mà quy mô của gần một nửa các dự án năng lượng mặt trời và gió được phát triển bởi các nhà đầu tư nước ngoài thì ý kiến của họ sẽ có trọng lượng – trích thông tin từ bảng thống kê của hãng tin Mekong Eye có trụ sở tại Thái Lan.

“Tôi luôn cố gắng truyền tải thông điệp này tới các cơ quan chức năng của Việt Nam, rằng họ phải hết sức cẩn thận, vì Việt Nam sẽ cần các nhà đầu tư quốc tế cho mọi ngành, chứ không chỉ riêng chỉ riêng cho ngành năng lượng sạch. Hiện tại, các chính sách đang gây tổn hại lớn đến hình ảnh của Việt Nam trong vị thế là một quốc gia nhận đầu tư,” ông Duguet nói, đề cập đến những rắc rối trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Theo Bloomberg đưa tin, các nhà đầu tư năng lượng sạch đã gửi thư cho Thủ tướng Việt Nam và các quan chức khác vào đầu tháng này để kêu gọi chỉnh sửa, đưa ra các chính sách thuận lợi hơn và chấm dứt tình trạng bế tắc trong vấn đề này.

Like this content? Join our growing community.

Your support helps to strengthen independent journalism, which is critically needed to guide business and policy development for positive impact. Unlock unlimited access to our content and members-only perks.

Terpopuler

Acara Unggulan

Publish your event
leaf background pattern

Transformasi Inovasi untuk Keberlanjutan Gabung dengan Ekosistem →